Candida là loại nấm thường trú trên cơ thể người tức sống hòa bình không gây hại. Tuy nhiên, nếu nấm sinh sôi quá mức sẽ dẫn đến bệnh lý gây viêm các cơ qua mà nấm ký sinh như da, niêm mạc, âm đạo,… gây nhiều phiền toái. Thuốc điều trị nấm có rất nhiều loại từ viên nén, dung dịch, thuốc đặt âm đạo và các biệt dược khác nhau của thuốc kháng nấm. Bài viết sau của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về các loại thuốc kháng nấm thường dùng hiện nay và các lưu ý khi sử dụng.
Nhiễm nấm Candida là tình trạng bệnh do nhiễm loại nấm là Candida, phổ biến nhất là loài nấm Candida albicans. Trong điều kiện sinh lý bình thường nấm Candida có thể sinh sống thường trú trên da, và niêm mạc cơ thể mà không gây bệnh lý. Các vị trí có nấm Candida thường trú như miệng, họng, ruột, âm đạo mà không gây bất thường. Nấm Candida chỉ gây biểu hiện bệnh lý khi nó sinh sôi quá mức kiểm soát, xâm nhập vào các cơ quan cơ thể như tim, gan, não, thận hay vào máu. Biểu hiện bệnh lý các cơ quan như viêm da, viêm âm đạo, viêm niêm mạc miệng,… gây các triệu chứng như ngứa da, đau miệng, tiết dịch âm đạo mùi hôi.1
Như đã đề cập, Candida là loại nấm thường trú ở người. Nó cũng có thể lây lan từ người bệnh sang người khác nhưng chỉ diễn tiến thành bệnh khi người nhiễm có hệ miễn dịch kém hoặc đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch.2
Để hiểu rõ hơn về nấm Candida, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Nhiễm nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách phòng ngừa.
Để điều trị nấm Candida nên dùng thuốc kháng nấm. Thuốc này có cơ chế kìm hãm sự phát triển quá mức của nấm, cân bằng hệ vi sinh vật thường trú trên cơ thể.
Thuốc trị nấm rất đa dạng từ dạng uống, xịt, dạng lỏng, kem bôi,… Cụ thể như sau:
- Dạng thuốc uống: tác dụng toàn thân, thường dùng khi nhiễm nấm nhiều, nhiễm nấm nặng.
- Dạng thuốc thoa tại chỗ: Thoa trực tiếp lên vùng da nhiễm nấm. Thường dùng điều trị nhiễm nấm da, nấm móng, nấm da đầu.
- Dạng thuốc đặt: Thường dùng điều trị trong nhiễm nấm âm đạo, thuốc được đặt bên trong âm đạo.
- Thuốc trị nấm vùng miệng: Thường dạng gel hay dung dịch dễ sử dụng cho vùng miệng hầu họng.
- Dầu gội trị nấm: Dầu gội chứa thành phần thuốc trị nấm để điều trị nấm da đầu.
- Thuốc tiêm mạch: Trong một số tình trạng nhiễm nấm nặng nề như Candida vào máu, vào các cơ quan sâu.
Với mỗi dạng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị và tránh tái nhiễm.
1. Terbinafine3
Thuốc được dùng nhiều vì có phổ kháng nấm rộng, hấp thu thuốc tốt nhất sau khi ăn. Cần uống đều liên tục để đạt nồng độ hiệu quả điều trị. Liều dùng với viên nén 250mg như sau:
Vị trí nhiễm nấm
Liều dùng cho người lớn
Liều dùng cho trẻ em
Nhiễm nấm móng tay
250 mg một lần mỗi ngày trong 6 tuần.
Đối với trẻ em, cần hỏi ý kiến bác sĩ để có sự tự vấn cụ thể về liều lượng.
Nhiễm nấm móng chân
250 mg một lần mỗi ngày trong 12 tuần.
Nhiễm nấm da thân người
Người lớn và vị thành niên: 250 mg một lần mỗi ngày trong 2- 4 tuần.
Nhiễm nấm bẹn
Người lớn và vị thành niên: 250 mg một lần mỗi ngày trong 2- 4 tuần.
Nhiễm nấm bàn chân
Người lớn và vị thành niên: 250 mg một lần mỗi ngày trong 2- 6 tuần.
Terbinafine có thể gây đau bụng, buồn nôn, nhức đầu,…
Lưu ý, thuốc được xếp nhóm B, loại không nên dùng ở phụ nữ mang thai. Nếu trong quá trình mang thai bị nấm móng, nấm da có thể tìm kiếm các loại thuốc trị nấm Candida cho bà bầu hoặc chỉ nên điều trị nấm sau khi sinh con.4
2. Fluconazole5
Đây là thuốc làm thay đổi tính thấm màng tế bào nấm Candida và được sử dụng điều trị nhiều loại nấm da.
Liều dùng với người lớn:
- Nhiễm nấm miệng hầu: uống 50 mg, một lần mỗi ngày trong 7-14 ngày.
- Nhiễm nấm toàn thân: Ngày đầu: 400mg, uống 1 lần. Những ngày sau: 200mg/lần/ngày, trong thời gian ít nhất 4 tuần và ít nhất 2 tuần nữa sau khi hết triệu chứng.
- Nhiễm nấm âm đạo, âm hộ: uống 1 liều duy nhất 150 mg.
- Nhiễm nấm da: uống 50 mg một lần mỗi ngày trong 6 tuần.
Với người lớn, cần tham khảo ý kiến và tuân thủ theo điều trị nấm cho trẻ.
Fluconazole có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy là các tác dụng thường gặp.
Đến nay còn chưa có các nghiên cứu đầy đủ việc dùng Fluconazol cho người mang thai. Do đó chỉ nên dùng Fluconazol cho người mang thai khi ích lợi điều trị lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
3. Thuốc đặt âm đạo Clotrimazole6
Đây là thuốc đặt trị nấm âm đạo dành cho nữ giới từ 12 tuổi trở lên. Thuốc được đặt trong âm đạo ban đêm trước khi ngủ, từ 3-7 ngày.
Về tác dụng phụ, Clotrimazole có thể gây kích ứng, rát, ngứa âm đạo, nặng hơn có thể nổi ban, biểu hiện triệu chứng phản vệ như ban da, khó thở, tụt huyết áp. Nếu gặp vấn đề trong quá trình sử dụng, người bệnh cần tham khảo ý kiến và hướng dẫn từ nhân viên y tế.
4. Ketoconazole
Đây là thuốc dạng bôi tại chỗ, ứng dụng điều trị nấm da, niêm mạc. Liều dùng: Bôi thuốc ngày từ 1 – 2 lần thời gian điều trị từ 2 – 4 tuần, trường hợp bệnh nặng có thể dùng thuốc đến 6 tuần. Về tác dụng phụ có thể gây ngứa, rát.
Đối với phụ nữ có thai, hiện các nghiên cứu rõ ràng như gây quái thai chủ yếu ở động vật, do đó chưa đủ dữ kiện đánh giá khuyến cáo điều trị cho người.7
Các lưu ý khi sử dụng thuốc trị nấm Candida:
- Khi triệu chứng được giải quyết cần tiếp tục điều trị đủ thời gian, ít nhất 1 vài ngày sau khi tất cả các triệu chứng biến mất. Vì nấm Candida thanh thải chậm dẫn nguy cơ tái phát, hay diễn tiến nặng hơn. Người bệnh cần giữ gìn vệ sinh vùng da điều trị được sạch sẽ để tránh các nguồn gây nhiễm hay tái nhiễm.
- Cần phân biệt các loại nấm và vị trí nhiễm nấm để lựa chọn thuốc điều trị cho phù hợp.
- Bên cạnh việc điều trị cần giữ cho cơ thể trạng thái khỏe mạnh nâng cao hệ miễn dịch, giảm stress, tránh ăn thức ăn nhiều đường, carbohydrate, và kiểm soát thật tốt bệnh nền.
- Cần khám bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng nhiễm nấm không thuyên giảm, ảnh hưởng ăn uống, sức khỏe tình thần.
Qua bài viết, Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh hy vọng độc giả có cái nhìn tổng quát về thuốc trị nấm Candida. Từ đó tối ưu trong việc lựa chọn thuốc kháng nấm và sử dụng thuốc một cách khoa học hơn.