Viêm tuyến giáp bán cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Vị trí của tuyến giáp trong cơ thể

Tuyến giáp là một trong các tuyến nội tiết của cơ thể. Nó nằm ở phía trước cổ, dưới sụn giáp (trái cổ) có hình dạng như con bướm nằm ngay dưới da. Phía sau tuyến giáp là khí quản. Tuyến giáp gồm 2 thùy trái và phải nối với nhau bởi một eo (hay còn gọi là thùy giữa). Tuyến giáp di động theo nhịp nuốt. Ở người trưởng thành tuyến giáp nặng khoảng 20 – 30 gram.1

Định nghĩa viêm tuyến giáp bán cấp

Viêm giáp được chia thành nhiều loại khác nhau theo bảng sau:2 3

Viêm giáp đau
Viêm giáp không đau

Viêm giáp cấp sinh mủ

Viêm giáp bán cấp

Viêm giáp do xạ

Viêm giáp do chấn thương

Viêm giáp Hashimoto

Viêm giáp yên lặng

Viêm giáp sau sanh

Viêm giáp xơ hóa (Riedel)

Viêm giáp do thuốc: interferon-alpha, lithium, amiodarone,…

Viêm giáp bán cấp là viêm giáp gây đau thường gặp nhất trên lâm sàng. Viêm giáp bán cấp còn có các tên gọi khác như: viêm tuyến giáp do virus, viêm tuyến giáp u hạt bán cấp, viêm tuyến giáp giả lao, viêm tuyến giáp tế bào khổng lồ, viêm tuyến giáp De Quervain.3

 Các giai đoạn của viêm giáp bán cấp

Viêm giáp bán cấp thường diễn tiến theo 4 giai đoạn:3 4

  • Giai đoạn 1: kéo dài vài tuần đến 3 tháng, giai đoạn khởi đầu, các mô tuyến giáp bị phá hủy phóng thích hormone giáp gây ra tình trạng nhiễm độc giáp.
  • Giai đoạn 2: kéo dài khoảng 1 – 2 tuần, chức năng tuyến giáp trở về bình thường sau khi hormone giáp được thanh lọc ra khỏi cơ thể, bệnh nhân trở về bình giáp. Tùy mức độ mô tuyến giáp bị phá hủy mà bệnh nhân có thể duy trì bình giáp, hay chuyển sang giai đoạn suy giáp.
  • Giai đoạn 3: đây là giai đoạn suy giáp. Nếu mô giáp bị phá hủy nhiều, bệnh nhân có thể bị suy giáp kéo dài nhiều tháng hoặc hơn.
  • Giai đoạn 4: giai đoạn hồi phục. Đa số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Một số ít bệnh nhân khoảng 5% các trường hợp bị suy giáp vĩnh viễn. Khoảng 2% các trường hợp tái phát nhiều đợt.5

Viêm tuyến giáp bán cấp có nguy hiểm không?

Viêm giáp bán cấp thường không đe dọa tính mạng. Bệnh gây đau, đôi khi rất đau làm bệnh nhân rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc. Một số ít trường hợp bệnh nhân sẽ có biến chứng.

Đa số bệnh nhân viêm giáp bán cấp sẽ hồi phục hoàn toàn. Một số ít bệnh nhân khoảng 5% các trường hợp bị suy giáp vĩnh viễn. Khoảng 2% các trường hợp tái phát nhiều đợt.

Cho đến hiện nay, nguyên nhân thực sự của viêm giáp bán cấp vẫn chưa rõ ràng. Các nhà khoa học nghĩ nhiều do nhiễm các loại virus (siêu vi) gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Từ đó phá hủy mô tuyến giáp dẫn đến viêm giáp vì các lý do sau đây:1 2 3

  • Viêm giáp bán cấp thường xảy ra sau khi nhiễm siêu vi vài tuần lễ.
  • Khi viêm giáp bán cấp ở giai đoạn toàn phát, người ta thấy nồng độ virus và hiệu giá kháng thể kháng các virus (cúm, adenovirus, coxsackievirus,…) tăng cao và giảm sau vài tháng.

Viêm giáp bán cấp thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 4 – 5 lần nam giới.6

Bệnh thường xảy ra vào mùa hè hoặc mùa thu và ở những người có mang kháng nguyên HLA-B35 so với người không mang kháng nguyên này.2

Độ tuổi thường gặp viêm giáp bán cấp trong khoảng 40 – 50 tuổi ở cả 2 giới nam, nữ. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em.2

Tùy vào giai đoạn nào trong diễn tiến của bệnh, mà bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:1 3 7

Giai đoạn 1

Bệnh nhân thường có các triệu chứng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên trước đó 2 – 6 tuần như: cảm cúm, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, đau họng, đỏ mắt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp,…

Ngoài ra, đau nhiều vùng cổ trước là triệu chứng nổi bật khiến bệnh nhân phải đi khám. Đau lan lên góc hàm, tai, cơ vùng cổ; sờ vùng cổ cảm giác nóng, sưng nề, to lên và căng.

Bệnh nhân có thể khó nuốt, khó ngửa cổ và thường cúi đầu về phía trước để tránh căng vùng cổ gây đau.

Sốt từ nhẹ đến trung bình, ít khi sốt cao.

Các triệu chứng của tình trạng nhiễm độc giáp do viêm gây phá hủy mô tuyến giáp:

Bác sĩ khi khám có thể ghi nhận tuyến giáp to lan tỏa, đôi khi chỉ ưu thế một thùy tuyến giáp; mật độ chắc, đau khi sờ nắn. Một số ít trường hợp có hạch cạnh tuyến giáp.

Giai đoạn 2

Các triệu chứng trên sẽ giảm đi và hết. Bệnh nhân trở về sinh hoạt bình thường.

Giai đoạn 3

Khi mô tuyến giáp bị phá hủy nhiều, không còn đủ sản xuất hormone tuyến giáp nữa, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của tình trạng suy giáp:

  • Sợ lạnh, cảm giác lạnh trong người, mặc áo ấm ngay cả khi trời nóng nực.
  • Vẻ mặt thờ ơ, vô cảm, hoạt động chậm chạp.
  • Ù tai, khàn tiếng.
  • Mệt mỏi.
  • Táo bón.
  • Tăng cân dù bệnh nhân ăn ít.
  • Da lạnh, khô, tróc vảy.
  • Lông tóc khô, dễ gãy rụng.
  • Nhịp tim chậm.
  • Rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh ở nữ giới.

Giai đoạn 4

Đa số trường hợp, bệnh nhân sẽ trở về bình thường sau vài tháng.

Trong thời gian này, người bệnh cần được điều trị để giảm triệu chứng và giảm mức độ phá hủy mô tuyến giáp. Một số ít các trường hợp (khoảng 5%) sẽ suy giáp vĩnh viễn kéo dài suốt đời.

Viêm tuyến giáp bán cấp thường không nguy hiểm tính mạng. Nhưng gây đau rất nhiều làm bệnh nhân rất khó chịu. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị thích hợp, bệnh sẽ kéo dài và phá hủy mô tuyến giáp nhiều hơn; từ đó gây biến chứng là suy giáp vĩnh viễn sau này.

Do đó khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ viêm tuyến giáp bán cấp, thì nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời và phù hợp. Nhằm giảm triệu chứng gây khó chịu, đặc biệt là đau và giảm nguy cơ suy giáp sau này.

Bạn nên khám bác sĩ khi:7

  • Có các triệu chứng nghi ngờ viêm giáp bán cấp như sưng đau vùng cổ trước, các triệu chứng nhiễm độc giáp,… đã đề cập ở phần trên.
  • Bạn đã được chẩn đoán viêm giáp bán cấp và đã được điều trị nhưng không cải thiện triệu chứng.

Khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ đến khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử, bệnh sử và sẽ thực hiện một số xét nghiệm giúp chẩn đoán viêm giáp bán cấp. Các xét nghiệm bao gồm:1 2 3 7

Xét nghiệm tình trạng viêm

Tốc độ máu lắng sẽ tăng hoặc C – reactive protein (CRP) tăng.

Xét nghiệm hormon tuyến giáp: TSH, FT4 và hoặc FT3

Tùy vào từng giai đoạn người bệnh đến khám, kết quả TSH, FT4 và hoặc FT3 có thể thay đổi khác nhau, cụ thể:

  • Nếu giai đoạn nhiễm độc giáp thì TSH giảm, FT4 tăng, FT3 tăng và tỉ số FT3/FT4 < 0,3 theo đơn vị (pmol/l : pmol/L).
  • Nếu giai đoạn suy giáp: TSH sẽ tăng, FT4 giảm, FT3 giảm.

Xét nghiệm Thyroglobulin

Xét nghiệm cho thấy kết quả tăng.

Xét nghiệm kháng thể kháng giáp

Xét nghiệm này giúp chẩn đoán phân biệt nguyên nhân nhiễm độc giáp hoặc suy giáp:

  • Kháng thể kháng peroxidase (Anti-TPO) âm tính (giúp bác sĩ phân biệt với viêm giáp Hashimoto, kháng thể dương tính).
  • Kháng thể kháng thụ thể TSH (TRAb) âm tính (giúp bác sĩ phân biệt với bệnh Basedow gây nhiễm độc giáp).

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ đánh giá kích thước, mật độ tuyến giáp, viêm giáp bán cấp tuyên giáp to, mật độ giảm với những vùng echo kém, không tăng sinh mạch máu khi phổ Doppler.

Đo độ hấp thu iod phóng xạ hoặc xét nghiệm xạ hình tuyến giáp

Giảm hấp thu iod hoặc giảm bắt xạ. Thường bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm này khi các xét nghiệm khác không đủ giúp chẩn đoán xác định bệnh.

Sinh thiết tuyến giáp

Sinh thiết hiếm khi thực hiện, chỉ khi nào rất khó chẩn đoán bác sĩ mới thực hiện xét nghiệm này.6 7

Chẩn đoán xác định viêm giáp bán cấp theo Hội Tuyến giáp Nhật Bản8

Tiêu chí

Lâm sàng: sưng đau tuyến giáp.

Xét nghiệm:

  1. CRP tăng và/ hoặc tốc độ máu lắng tăng.
  2. FT4 tăng và TSH bị ức chế < 0,1 mIU/L.
  3. Siêu âm tuyến giáp: tổn thương giảm đậm độ ở vùng tuyến giáp đau.

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định viêm giáp bán cấp khi bệnh nhân thỏa tất cả các tiêu chí lâm sàng và xét nghiệm.

Chẩn đoán có thể viêm giáp bán cấp khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và 2 tiêu chí 1 và 2 của xét nghiệm.

Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị viêm giáp bán cấp là giảm đau và điều trị tình trạng nhiễm độc giáp (nếu có).

Giảm đau và tình trạng viêm

Tùy vào mức độ đau mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp:2 3

  • Nếu đau nhẹ, bác sĩ sẽ sử dụng aspirin, hoặc nhóm thuốc kháng viêm không steroid như Ibuprofen.
  • Nếu đau nặng hoặc đau không cải thiện sau khi điều trị bằng aspirin hay ibuprofen, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng viêm corticoid như prednisolon.

Chú ý, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các thuốc này. Vì thuốc có thể gây tác dụng phụ và tương tác với nhiều loại thuốc khác nếu dùng không đúng chỉ định.

Tác dụng phụ của các thuốc trên:

Các thuốc trên nên uống sau bữa ăn để tránh tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Số lần dùng phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Bệnh nhân nên đọc kỹ toa thuốc để sử dụng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Giảm triệu chứng nhiễm độc giáp

Nếu người bệnh có triệu chứng nhiễm độc giáp gây khó chịu, bác sĩ sẽ kê một số thuốc để giảm triệu chứng cho bạn như nhóm ức chế beta (propranolol, atenolol, metoprolol,…).

Nếu bạn có các bệnh lý chống chỉ định khi dùng thuốc ức chế beta như hen suyễn, co thắt phế quản, hiện tượng co thắt mạch Raynaud. Bác sĩ sẽ kê các thuốc khác như ức chế calci (verapamil, diltiazem).12

Chú ý, nhiễm độc giáp do viêm giáp bán cấp không có chỉ định dùng thuốc kháng giáp tổng hợp như các nguyên nhân nhiễm độc giáp khác (bệnh Basedow, bướu giáp đơn nhân hóa độc, bướu giáp đa nhân hóa độc) vì sẽ gây suy giáp nhanh hơn.

Điều trị suy giáp (nếu có)

Bác sĩ sẽ điều trị thay thế hormone giáp thiếu hụt cho người bệnh bằng chế phẩm levothyroxine.

Thuốc levothyroxine uống 1 lần mỗi ngày vào trước bữa ăn sáng ít nhất 30 – 60 phút, hoặc uống vào buổi tối sau bữa ăn cuối cùng ít nhất 3 giờ. Không dùng cùng lúc thuốc với các thực phẩm như chất xơ, sữa đậu nành hoặc các thuốc khác như ức chế bơm proton PPI (trong điều trị viêm loét dạ dày) hay chế phẩm chứa calci, sắt, sucralfate, nhôm hydroxit (phosphalugel), cholestyramin vì ảnh hưởng đến hấp thu thuốc.13

Tùy vào thời gian suy giáp mà việc bổ sung hormon giáp thay thế ngắn hạn hay dài hạn. Nếu suy giáp vĩnh viễn, bạn phải sử dụng levothyroxine mỗi ngày và suốt đời.

Dự phòng

Tiêm vaccin ngừa một số virus như cúm có thể giúp dự phòng viêm giáp bán cấp. Các nguyên nhân khác có thể không dự phòng được.7